Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Vụ MH17 sẽ làm đổi chiều xung đột Ukraina?

Việc một máy bay dân sự Malaysia bị bắn rơi ở miền đông Ukraina có vẻ sẽ là một yếu tố làm đổi chiều xung đột ở đất nước này. Tuy nhiên, giới phân tích an ninh lại cho rằng khả năng này là rất ít. 
Dư luận thế giới đang đổ dồn vào miền đông Ukraina, nơi không một ai trong số 298 người có mặt trên chiếc Boeing 777 số hiệu MH17 còn sống sau khi máy bay bị tên lửa bắn rơi. 
Theo báo Christian Science Monitor, một số chuyên gia nhận định rằng dù thảm kịch này rất khủng khiếp và không thể chấp nhận được, nó cũng sẽ không mang tính bước ngoặt và không tác động nhiều đến tiến trình xung đột ở Ukraina. 
Xem link hữu ích tại đây : Trung cấp y dược tuyển sinh năm 2014 !
Ukraina, MH17, máy bay, xung đột, đổi chiều
Hiện trường MH17 bị bắn rơi. (Ảnh: Reuters)
Sự quan tâm của Nga đến miền đông Ukraina vẫn sẽ không thay đổi - theo Michael Desch, một chuyên gia về an ninh quốc tế và chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Notre Dame bang Indiana. "Về phía chúng ta [Mỹ], tôi cũng không nghĩ vụ việc sẽ làm thay đổi sự quan tâm hoặc quyết tâm của chúng ta để hành động kiên quyết hơn", ông Desch nói thêm.
Một số chuyên gia khác dự báo, sự quả quyết trước đó rằng quân li khai Ukraina bắn hạ máy bay bằng một hệ thống vũ khí do Nga cung cấp có thể sẽ dẫn tới một vòng cấm vận kinh tế mới nhằm vào Moscow, hoặc có thể khiến châu Âu nảy ra sáng kiến giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao. Thời gian sẽ là một yếu tố quyết định.
Nhưng vấn đề là sẽ phải chờ đến khi rõ ràng ai đã bắn máy bay thì mới có thể áp đặt các hậu quả cho hành động này. Thậm chí cả khi người chịu trách nhiệm được "vạch mặt chỉ tên" thì khả năng vụ việc cũng chỉ là một sự nhầm lẫn tệ hại ở một khu vực đầy căng thẳng. Và điều đó sẽ làm nguội bất kỳ một đòi hỏi hành động rốt ráo nào.
Theo chuyên gia Desch, nhiều vụ bắn nhầm máy bay trước kia rốt cuộc không gây nhiều hậu quả - trong đó có vụ một chiến đấu cơ Liên Xô bắn hạ một máy bay Hàn Quốc (với một thành viên Quốc hội Mỹ đi trên đó) vào năm 1983 và một chiến đấu cơ F-14 của Mỹ bắn rơi một máy bay Iran năm 1988.
Vốn đã bị mất một số máy bay quân sự do đạn pháo của quân li khai trong những tuần gần đây, chính phủ Ukraina nhanh chóng gọi vụ MH17 là một "hành động khủng bố", ám chỉ lực lượng nổi dậy mà họ đã chật vật trấn áp nhiều tháng qua.
Phe li khai thân Nga nhanh chóng phủ nhận trách nhiệm - mặc dù có một số tài liệu rò rỉ trên mạng xã hội nói rằng họ có thể đang nắm trong tay một hệ thống bắn máy bay tinh vi do Nga sản xuất mà có thể bắn rơi máy bay Malaysia do nhầm lẫn.
Các nỗ lực điều tra và xác định nguyên nhân MH17 bị bắn sẽ gặp trở ngại vì máy bay rơi ở khu vực do quân li khai kiểm soát. Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Petro Poroshenko phải cử các nhà điều tra tới hiện trường.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc họp công khai liên quan đến vụ việc trong ngày 18/7. Cuộc họp có thể rất hữu ích trong việc giữ cho vụ việc nói riêng và cuộc xung đột Ukraina nói chung tiếp tục xuất hiện trong nghị trình quốc tế. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào của Hội đồng nhằm giải quyết vụ việc đều rất có thể kết thúc bằng "một bên là Mỹ và Anh, một bên là Nga còn Trung Quốc đứng ngoài lề", do vậy khả năng đạt kết quả rất ít.

Mặc dù vậy, một phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ từ Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể sẽ tác động mạnh. Thảm họa MH17 - đặc biệt là nếu do một tên lửa do Nga cung cấp gây ra - có thể khiến bà Merkel quyết định cấm vận Nga gắt gao hơn hoặc tiên phong trong việc yêu cầu giải quyết xung đột Ukraina.

Một số ý kiến khác cho rằng chẳng có gì ngạc nhiên với thảm họa MH17 vì nó xảy ra như kết quả tất yếu của một cuộc xung đột đang bị bỏ mặc cho ngày càng xấu đi.

Thanh Hảo
Trích nguồn :vietnamnet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét